
Trẻ bị tim bẩm sinh có thể sẽ bị tử vong sau sinh hoặc sống rất ngắn và nếu sống được thì rất dễ gây hệ lụy đến cuộc sống của trẻ sau này. Bệnh tim bẩm sinh là bệnh phổ biến nhất về tim mạch ở trẻ. Trẻ bị tim bẩm sinh ở cả nam và nữ, không phân biệt chủng tộc, địa dư, điều kiện kinh tế xã hội.
Trẻ bị tim bẩm sinh sẽ có những sự bất thường ở tim ngay từ khi đứa trẻ sinh ra. Bị dị dạng hay bất thường về cấu trúc có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể trẻ nhưng bất thường về cấu trúc tim mạch lại là những bất thường đáng chú ý nhất.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, dưới đây là các nguyên nhân và dấu hiệu cho biết trẻ bị tim bẩm sinh để có thể giúp đỡ con yêu phòng ngừa nguy cơ bị bệnh trong giai đoạn thai kỳ.
Nguyên nhân
Cho đến tận bây giớ, người ta vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh. Hiện nay, người ta mới chỉ dừng lại ở hai khía cạnh: di truyền và môi trường.
Bệnh có thể xuất phát từ người mẹ hoặc có thể là do sự rối loạn biệt hóa cơ quan trong thời kỳ mang thai.
Nó cũng có thể là sự tác động của thuốc trừ sâu, chất độc màu da cam, nhiễm tia X – quang trong thời kỳ bào thai và đặc biệt là nhiễm virut cúm trong ba tháng đầu thai kỳ.
Dấu hiệu nhận biết
Trong một vài trường hợp, trẻ bị tim bẩm sinh nhưng lại không có biểu hiện gì do dị tật, mà chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một vài lý do khác. Một số dị tật khác hay đi kèm với bệnh tim bẩm sinh như: hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thừa hoặc thiếu ngón tay – ngón chân, đầu to, đầu nhỏ… Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có phát hiện những triệu chứng khác lạ sau:
- Trẻ hay bị ho, thở khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi. Khi cho trẻ bú cứ hay khóc và bị khó thở.
- Trẻ có làn da xanh xao, lạnh và vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón chân, ngón tay, tăng lên khi khóc, khi rặn…
- Trẻ bú hoặc ăn kém, mỗi lần bú ngắn, chậm lên cân và thậm chí không tăng cân hay sụt cân.
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
Nếu như không may bị một số bệnh mà có khả năng gây dị tật cho thai nhi, các mẹ nên theo dõi thai kỳ thường xuyên và cho trẻ sơ sinh được khám sớm nhằm tránh tình trạng xấu nếu có.
Mặt khác, khi trẻ sinh ra bình thường và có những dấu hiệu vừa giới thiệu trên đây thì các mẹ phải hết sức lưu ý, đưa con đi khám sớm để được can thiệp và điều trị bằng thuốc nội khoa hay các biện pháp ngoại khoa.
Xem thêm:
Phải làm gì khi trẻ bị táo bón, câu hỏi mà nhiều bà mẹ quan tâm
3 loại vitamin có trong thực phẩm thông dụng mà bạn không ngờ tới